“Ngôi nhà thứ 2 là Hòa Phát chứ đâu”
“Tất cả là vì chữ “Duyên” em à” – chàng trai sinh năm 88 nở nụ cười tươi rói khi nhắc về quãng thời gian gắn bó với Nội thất Hòa Phát. Hãy cùng HPG News trò chuyện với anh Phạm Văn Điệp – Trưởng phòng cơ điện nhà máy Bình Dương thuộc Công ty CP Nội thất Hòa Phát để hiểu rõ hơn về chàng trai cần cù có sở thích tìm tòi, nghiên cứu máy móc thiết bị nhằm góp phần ổn định nguồn lực sản xuất tại khu vực phía Nam nhé!
Chào anh, anh có thể chia sẻ với các độc giả HPG News về quá trình làm việc tại Hòa Phát ?
Anh theo gia đình vào miền Nam lập nghiệp, cũng vất vả một thời gian rồi mới vào Nội thất Hòa Phát chi nhánh miền Nam làm việc ổn định. Sau đó, theo kế hoạch phát triển thị trường miền Nam của Ban Giám đốc công ty, dự án nhà máy Bình Dương bắt đầu mở rộng, đầu tư xây mới để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khu vực thì anh được điều chuyển về phụ trách bộ phận cơ điện nhà máy Bình Dương.
Làm việc tại Nội thất Hòa Phát hơn 10 năm, chắc hẳn anh có nhiều kỷ niệm lắm?
Chính xác thì anh đã làm tại Nội thất Hòa Phát được 10 năm 10 tháng, toàn số tròn trĩnh cả. Từng ấy thời gian tất nhiên có nhiều kỷ niệm vui buồn lắm chứ.
Nhớ nhất là ngày anh em bộ phận cơ điện hóa “thợ mỏ” sau khi khắc phục sự cố động cơ thu hồi bụi của dây chuyền sơn bị “kẹt” tại NM Tủ sắt Bình Dương.. Lúc đó, thị trường miền Nam đang vào giai đoạn cao điểm, đơn hàng tới tấp khiến các nhà máy làm việc hết công suất. Dây chuyền làm việc bị ngừng lại ngày nào thì thiệt hại lớn ngày ấy, không kể đến uy tín công ty với khách hàng nữa.
Áp lực lớn khiến đội cơ điện đặt ra chỉ tiêu khắc phục sự cố “thần tốc”, nhanh chóng đưa dây chuyền vận hành trở lại. Sau khi đưa được động cơ thu hồi bụi 50HP xuống để kiểm tra, tìm ra & khắc phục sự cố rồi thật cẩn thận đưa lên lắp ráp, an toàn đúng vị trí nhanh nhất, cả dây chuyền được vận hành trơn tru nhằm đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất, cả đội cơ điện thở phào nhẹ nhõm. Hôm đó đến gần nửa đêm mới xong, mệt thì có mệt nhưng hạnh phúc lắm, cuối cùng công sức của mình và các anh em khác bỏ ra đã thành công tuyệt vời. Vừa thở phào, mấy anh em lại nhìn nhau ôm bụng cười vì ai cũng đen nhẻm, mồ hôi và lớp bụi sơn bám vào như vừa đi du lịch tắm bùn.
(Anh Điệp (bên phải) cùng đồng nghiệp)
Công việc vất vả là vậy, có khi nào anh cảm thấy áp lực? Nói không áp lực là nói dối, vì anh chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn thiết bị, đáp ứng được nhu cầu về máy móc thiết bị phục vụ sản xuất mà. Câu hỏi thường trực lúc nào cũng là “Làm sao máy móc thiết bị luôn được giữ ở trạng thái ổn định nhất, cho ra sản phẩm chất lượng chính xác, chuẩn chỉ nhất. Làm sao để luôn sáng tạo, tìm tòi giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất”. Suy nghĩ ấy luôn bên anh cả ngày đêm, mà nghĩ ra rồi thì phải lao vào làm luôn, nhiều khi “hăng” quá quên cả ăn cơm là chuyện bình thường. Anh vẫn gọi vui máy móc là “bệnh nhân”, mình là bác sĩ lo lắng cho từng “em máy”, bốc thuốc cho từng “em” mỗi khi cần. Áp lực tuy nhiều nhưng niềm vui lại gấp đôi gấp ba chứ, vui vì càng ngày càng học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công việc. Các anh em trong bộ phận thân thiết như 1 gia đình, gắn bó và chia sẻ với nhau nhiều trong công việc lẫn cuộc sống. Bây giờ, anh cùng anh em trong bộ phận không ngán sự cố gì nữa nhé. Năm 2018, nhà máy Bình Dương đã có nhiều cải tiến giúp ổn định nguồn lực sản xuất cùng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh có thể chia sẻ thêm? Từ nhiều năm nay Nội thất Hòa Phát nói chung, nhà máy tại Bình Dương nói riêng đều quan tâm tới vấn đề sáng chế, sáng tạo mới trong quá trình sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Theo đúng chủ trương của công ty, nhà máy Bình Dương luôn tìm tòi cải tiến để ổn định nguồn lực sản xuất như triển khai hệ thống hút bụi theo cụm để gọn gàng, sạch sẽ hay lắp đặt xả đáy, xả nước tự động cho hệ thống máy nén khí. Nghe thì đơn giản nhưng thực sự quan trọng, hệ thống nén khí như nguồn máu của mình vậy, chỉ cần có nước lọt vào thì sẽ phá hủy các thiết bị máy móc của nhà máy. Ngoài ra, việc tìm tòi sáng tạo, sáng chế thêm các thiết bị hỗ trợ sản xuất, gia tăng năng suất, giảm sức lực cho người lao động cũng được ưu tiên. Chẳng hạn như trước đây phải 2 – 3 người nâng ván lên các máy cưa, máy khoan rất nặng, anh và nhà máy đã đề xuất trang bị bàn nâng phôi thủy lực để thay thế sức người, rất hiệu quả lại nhanh chóng. Khá nhiều cải tiến đã được đề xuất và áp dụng vào thực tế tại nhà máy Bình Dương, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Thường xuyên nhắc đến chữ “Duyên”, anh có thể chia sẻ thêm với độc giả vì sao không? Bố mẹ anh đều đang làm tại Nội thất Hòa Phát, bố vợ làm tại Công ty Thiết bị Phụ tùng. Và nhờ làm ở Hòa Phát, anh mới gặp rồi cưới được vợ, chẳng phải là nhờ chữ “Duyên” còn gì. Nói Hòa Phát là ngôi nhà thứ 2 cũng không sai, vì hơn 1/3 cuộc đời của mình đã gắn bó ở đây. Gia đình, bạn bè, anh em thân thiết đều ở Hòa Phát cả. Anh nghĩ đây là môi trường tốt để phát huy khả năng của bản thân, đồng thời cũng là nơi dạy cho mình nhiều bài học, cả về công việc lẫn kiến thức sống. Anh có thể chia sẻ về sở thích cá nhân của mình với độc giả? Anh thích bóng chuyền và biết chơi từ năm 12 tuổi. Hồi còn đi học thì có tham gia giải, hiện tại thì thích xem hơn chơi rồi. Có lẽ nhờ chơi bóng chuyền từ nhỏ nên hiện tại chân vẫn dẻo dai, ngày ngày làm việc cống hiến chưa biết mệt đâu đấy! Cảm ơn chia sẻ của anh, chúc anh luôn giữ nhiệt huyết và thành công hơn nữa nhé!Thanh Phương (thực hiện)
Bình luận